Hãng vận tải container của Đức, Hapag-Lloyd (HLAG.DE), hôm thứ Hai đã hoan nghênh thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về việc tạm thời cắt giảm thuế quan đối ứng, đồng thời cho biết họ kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ lượng đặt chỗ vận chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ gia tăng nhờ thỏa thuận này.
Theo tuyên bố hôm thứ Hai, Mỹ sẽ giảm thuế bổ sung áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ mức 145% xuống còn 30%, trong khi Trung Quốc cũng hạ thuế nhập khẩu hàng Mỹ từ 125% xuống 10% trong vòng 90 ngày tới.
Hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lao dốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại, khiến các hãng tàu container như MSC và Cosco (601919.SS) phải tạm ngừng các tuyến vận tải thường xuyên hoặc hủy chuyến đơn lẻ. Một số hãng khác thậm chí đã tính đến việc chuyển sang sử dụng tàu nhỏ hơn.
Việc tạm hoãn thuế quan lần này có thể thúc đẩy làn sóng xuất hàng sang Mỹ, điều mà một số nhà máy Trung Quốc đang chuẩn bị, đồng thời đẩy giá cước vận chuyển ngoài hợp đồng (spot rate) tăng cao.
“Chúng tôi kỳ vọng lượng đặt chỗ từ Trung Quốc sang Mỹ sẽ tăng, điều này sẽ hỗ trợ chúng tôi… trong mùa cao điểm,” Hapag-Lloyd cho biết qua email.
Mùa cao điểm của vận tải biển thường rơi vào khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10, khi các nhà bán lẻ Mỹ tích trữ hàng hóa cho mùa lễ hội cuối năm như Halloween, Lễ Tạ ơn và Giáng sinh.
Hapag-Lloyd vẫn tiếp tục khai thác tuyến vận tải trong giai đoạn suy giảm, dù có kế hoạch sử dụng các tàu nhỏ hơn — một động thái có thể giúp hãng nắm lợi thế so với các đối thủ đã cắt giảm chuyến, nếu khách hàng đổ xô vận chuyển hàng trong thời gian 90 ngày này.
“Ban đầu, chúng tôi dự kiến sử dụng các tàu nhỏ hơn để vận chuyển từ Trung Quốc sang bờ biển Mỹ, nhưng có thể sẽ đảo ngược kế hoạch đó nếu nhu cầu tăng mạnh,” Hapag-Lloyd cho biết.
Giám đốc điều hành Maersk (MAERSKb.CO), ông Vincent Clerc, cho hay vào thứ Năm rằng trong hai tuần qua, hãng Đan Mạch này đã cắt giảm 20% công suất trên tuyến Trung Quốc - Mỹ và chuyển sang các tuyến khác.
Ông Clerc nói thêm rằng Maersk có thể nhanh chóng phục hồi công suất trên tuyến này nếu khách hàng yêu cầu.
Ông Peter Sand, nhà phân tích trưởng tại nền tảng định giá Xeneta, nhận định rằng thời gian vận chuyển trung bình trên tuyến Thái Bình Dương là 22 ngày, vì vậy các khách hàng sẽ tận dụng tối đa cửa sổ 90 ngày để vận chuyển càng nhiều hàng vào Mỹ càng tốt.
“Điều này sẽ tạo áp lực đẩy giá cước vận chuyển tăng cao”.
Hồng Phúc
Nguồn: gcaptain