Phụ phí nhiên liệu quý 4 chiếm hơn 1/3 giá cước hợp đồng vận tải xuyên Thái Bình Dương
Vào thời điểm này 4 năm trước đây, trước khi đại dịch và cuộc chiến Ukraine - Nga trở thành tâm điểm chú ý, chi phí nhiên liệu là chủ đề lớn trong vận tải biển.
Khi ngành Vận tải biển sắp thực hiện một quy định toàn cầu mới sâu rộng, IMO 2020, yêu cầu sử dụng loại dầu nhiên liệu lưu huỳnh rất thấp (VLSFO) thân thiện với môi trường hơn và đắt tiền hơn, với hàm lượng lưu huỳnh nhỏ hơn hoặc bằng 0,5%. Chi phí nhiên liệu tăng thêm sẽ được chuyển cho các chủ hàng và cuối cùng là người tiêu dùng.
Chi phí nhiên liệu tăng vọt như dự đoán sau khi quy định có hiệu lực vào ngày 1/1/2020. Rồi COVID ập đến. Nhu cầu xăng và dầu diesel sụp đổ, giá dầu lao dốc, và cùng với đó là chi phí nhiên liệu cho tàu biển. Đến giữa năm 2020, nhiên liệu tàu biển rẻ hơn 30% so với trước giai đoạn IMO 2020. Lo ngại về hậu quả các quy định bị suy yếu.
Chi phí nhiên liệu bắt đầu tăng trở lại vào nửa cuối năm 2020 và đến năm 2021, nhưng vào thời điểm đó, các chủ hàng container có một nỗi lo lớn hơn nhiều: Giá cước vận tải đã tăng vọt lên mức chưa từng có. Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đã buộc các chủ hàng phải tham gia vào thị trường giao ngay cực kỳ đắt đỏ. Phụ phí nhiên liệu trên các hợp đồng tăng, nhưng chúng là một thành phần rất nhỏ trong hỗn hợp chi phí tổng thể.
Chi phí nhiên liệu đã tăng lên mức cao lịch sử sau khi Nga mở chiến dịch đặc biệt vào Ukraine đầu năm 2022, sau đó giảm trở lại khi thị trường toàn cầu điều chỉnh. Nhưng ngay cả khi chi phí nhiên liệu tăng vọt trong chiến tranh, giá cước hợp đồng vận tải biển vẫn đặc biệt cao, tiếp tục làm lu mờ yếu tố nhiên liệu.
Giờ đây, chi phí nhiên liệu tàu đang tăng trở lại. Chi phí của dầu VLSFO đã trở lại gần với mức cao đạt được ngay sau khi quy định IMO 2020 lần đầu tiên có hiệu lực. Các yếu tố điều chỉnh nhiên liệu (BAFs) - phụ phí nhiên liệu mà các hãng tàu đánh vào khách hàng của họ - đang tăng lên. Và chi phí vận chuyển hàng hóa đã trở lại mức trước COVID - và trước thời kỳ áp quy định IMO 2020 - có nghĩa là chi phí chuyển tiếp cho các chủ hàng từ giá VLSFO đắt đỏ hiện chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều trong tổng chi phí của họ.
Điều đó mang lại những lo ngại về trọn một chu kỳ của nhiên liệu tàu biển, tăng trở lại mức họ đã đối mặt 4 năm trước.
Phụ phí nhiên liệu của tàu vận tải biển đang gia tăng
Theo dữ liệu từ Ship & Bunker, chi phí trung bình của VLSFO tại 20 trung tâm tiếp nhiên liệu hàng đầu thế giới là 668,50 USD/tấn vào hôm thứ Năm ngày 14/9, tăng 16% so với hồi đầu tháng 6.
Giá nhiên liệu tàu biển đã cao hơn mức gần đây 4 lần: trong thời gian trước và sau cuộc chiến ở Ukraine; trong một khoảng thời gian ngắn vào tháng 2/2020 sau khi triển khai quy định IMO 2020; trong giai đoạn 2011-2013 khi dầu thô có mức giá trên 100 USD/thùng; và một thời gian ngắn vào năm 2008, khi giá dầu trên mức 150 USD/thùng. Giá tăng đột biến trước năm 2020 là đối với loại dầu nhiên liệu bẩn có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn (HSFO), với hàm lượng lưu huỳnh là 3,5%.
Sự phục hồi của VLSFO đang dẫn đến sự gia tăng phụ phí của các yếu tố BAFs. Nhiều hãng vận tải biển tiết lộ BAFs thông qua Distribution Publications Inc (DPI), đã công bố BAFs của quý 4 vào hôm thứ Tư ngày 13/9. BAFs giảm đều đặn từ quý 4/2022 đến quý 3/2023 do giá VLSFO giảm trở lại từ mức cao nhất trong thời chiến. Bây giờ chúng đang quay trở lại tăng một lần nữa.
Mức trung bình của BAFs được CMA CGM, Cosco, Evergreen, OOCL và Zim (NYSE: ZIM) công bố cho quý 4 năm 2023 là 623 đô la cho mỗi container 40 feet tương ứng cho tuyến thương mại Châu Á - Bờ Tây Hoa Kỳ, tăng 6% so với quý trước. Mức trung bình của BAFs được công bố bởi 5 hãng vận tải là 1.142 USD/ FEU trong tuyến thương mại Châu Á - Bờ Đông Hòa kỳ trong quý 4, tăng 6% so với quý thứ 3.
Để đưa BAFs quý 4 năm 2023 vào viễn cảnh, Xeneta đưa ra hợp đồng có mức giá cước trung bình ở thị trường Viễn Đông - Bờ Tây ở mức 1,676 USD/FEU vào thứ 5 ngày 14/9 và giá cước trung bình của hợp đồng tuyến Viễn Đông - Bờ Đông ở mức 2,618 USD/FEU. Do đó, mức trung bình của các yếu tố BAFs quý 4 năm 2023 được chọn tương đương với 37% giá cước hợp đồng hiện tại ở thị trường Bờ Tây và 44% giá cước hợp đồng hiện tại ở thị trường Bờ Đông.
Tàu có bộ lọc khí xả scrubber cho thấy có mức tiết kiệm ít hơn
Một vấn đề nhiên liệu quan trọng khác đối với vận tải biển liên quan đến việc chênh lệch giá HSFO so với VLSFO.
Theo IMO 2020, các tàu sử dụng bộ lọc khí xả có thể tiếp tục đốt nhiên liệu HSFO rẻ hơn. Bộ lọc khí xả được sử dụng rộng rãi bởi các tàu cỡ lớn chuyên chạy tuyến dài ngày, bởi vì các con tàu này dành phần lớn thời gian để chạy biển và đốt nhiên liệu. Theo Clarksons Securities, thiết bị lọc scubber hiện đang được sử dụng bởi 52% số tàu chở dầu thô cỡ rất lớn, 48% tàu chở hàng rời khô cỡ lớn và 56% tàu container có sức chứa từ 8.000 teu (tương đương container 20-foot) trở lên.
Chênh lệch HSFO so với VLSFO càng cao, các nhà khai thác tàu càng tiết kiệm được nhiều tiền bằng cách sử dụng thiết bị lọc. Theo nguyên tắc chung, nếu chênh lệch dưới 100 đô la mỗi tấn, việc đầu tư vào lắp đặt thiết bị lọc khí xả scubber được coi là không kinh tế.
Mức chênh lệch đã giảm xuống còn khoảng 60 USD/tấn vào tháng 6 năm 2020, ở đỉnh điểm của các đợt phong tỏa COVID, làm dấy lên câu hỏi ngắn gọn về việc liệu các khoản đầu tư lắp thiết bị xử lí khí xả có mang lại kết quả hay không. Mức chênh lệch sau đó tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại là 420 USD/tấn vào tháng 7/2022, sau cuộc chiến ở Ukraine, theo dữ liệu của Ship & Bunker về mức giá trung bình tại 20 trung tâm tiếp nhiên liệu hàng đầu.
Vấn đề hiện nay đối với các chủ tàu sử dụng thiết bị lọc khí xả: Chênh lệch giá nhiên liệu giữa VLSFO-HSFO đã giảm xuống dưới 100 USD/tấn trong tháng 7 vừa qua và duy trì ở mức thấp nhất kể từ đó. Tính đến thứ 5 ngày 14/9, nó chỉ ở mức 78,50 USD/tấn.
Nguồn: FreightWaves
Biên dịch: Vincent Nguyen