Giá cước vận chuyển dầu tăng mạnh vào thứ Hai khi các lệnh trừng phạt của chính quyền Biden đối với thương mại dầu mỏ của Nga đe dọa làm giảm nguồn cung tàu chở dầu và buộc các nhà giao dịch tìm kiếm nguồn dầu thô thay thế.
Vào thứ Sáu, chỉ 10 ngày trước khi Donald Trump nhậm chức, tổng thống sắp mãn nhiệm đã trừng phạt khoảng 160 tàu chở dầu của Nga. Điều đó có nghĩa là khoảng 1/10 đội tàu chở dầu thô hiện tại đang nằm trong tầm kiểm soát của Mỹ. Giá cước vận chuyển tăng 39%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng Tám, kéo theo sự tăng giá cổ phiếu của các công ty sở hữu tàu chở dầu lớn nhất thế giới.
Mức tăng này là một ví dụ điển hình về cách các lệnh trừng phạt — được xem là quyết liệt nhất từ các cường quốc phương Tây kể từ khi chiến tranh ở Ukraine bắt đầu — đang đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng dầu mỏ của Nga. Đa số các tàu chở dầu bị Mỹ trừng phạt trong các đợt trước chưa chở bất kỳ hàng hóa nào kể từ khi bị áp đặt, và quy mô rộng lớn của đợt trừng phạt lần này đã khiến giá dầu Brent tương lai tăng hơn 4 đô la Mỹ/thùng.
Ngay cả trước khi lệnh trừng phạt vào thứ Sáu được áp đặt, các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ và Trung Quốc đã vội vàng tìm mua dầu thô từ Trung Đông do lo ngại về khả năng nguồn cung từ Nga và Iran bị gián đoạn. Vào thứ Hai, một quan chức cấp cao ở Ấn Độ cho biết nước này dự định từ chối sử dụng các tàu chở dầu bị Mỹ trừng phạt, làm nổi bật thêm nguy cơ đối với nguồn cung tàu không bị trừng phạt.
“Thị trường có thể tăng mạnh hơn đáng kể nhờ các lệnh trừng phạt tàu mới”, Anoop Singh, người đứng đầu mảng nghiên cứu vận tải tại Oil Brokerage, viết. “Một điều kiện cần để giá cước tăng vọt là đội tàu bị trừng phạt phải ngừng hoạt động. Tiền lệ đã cho thấy khả năng này”.
Việc đưa vào danh sách đen trên diện rộng xảy ra sau khi các tàu chở dầu Iran liên tục bị nhắm mục tiêu, làm gia tăng áp lực lên khả năng tiếp tục hoạt động của một số tàu chở dầu và ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung của đội tàu.
Các tàu mới
Rủi ro về sự gián đoạn trên thị trường vận tải dầu trở nên nghiêm trọng hơn do thiếu các tàu mới được đưa vào hoạt động. Theo giám đốc điều hành của Frontline Management AS, đội tàu chở dầu thô “tuân thủ” quy định đã không được mở rộng kể từ năm 2022, trong khi đội tàu "bóng tối" tiếp tục được sử dụng lâu hơn để duy trì hoạt động.
Trong bối cảnh tăng trưởng trì trệ này, ngành vận tải dầu mỏ đang đánh giá tác động từ các lệnh trừng phạt trước đó đối với đội tàu. Dữ liệu theo dõi tàu do Bloomberg tổng hợp cho thấy 33 trong số 39 tàu bị trừng phạt chưa vận chuyển hàng hóa nào kể từ khi chịu các biện pháp của Mỹ.
Cổ phiếu của Frontline tăng hơn 10% vào thứ Sáu và tiếp tục tăng mạnh vào thứ Hai. Các công ty vận tải niêm yết khác, bao gồm DHT Holdings Inc., International Seaways Inc. và Okeanis Eco Tankers, cũng ghi nhận mức tăng đáng kể trong hai phiên giao dịch này.
Theo các nhà phân tích từ Braemar Plc, việc vận chuyển dầu ngắn hạn từ các cảng phía Đông của Nga tới Trung Quốc có thể phải chuyển sang nguồn cung từ Trung Đông, dẫn đến khoảng cách vận chuyển xa hơn nhiều.
“Các lệnh trừng phạt của OFAC là những biện pháp duy nhất thực sự hạn chế khả năng hoạt động của tàu,” các nhà phân tích nhận định. “Những lệnh trừng phạt này sẽ có tác động lớn”.
Mặc dù có nhiều ý kiến lạc quan, nhưng thị trường vẫn chưa ghi nhận mức tăng mạnh như khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với công ty vận tải lớn nhất Trung Quốc vào năm 2019, đẩy thu nhập chuẩn lên mức 300.000 đô la Mỹ/ngày. Vào thứ Hai, mức thu nhập này vẫn còn thấp hơn nhiều, chỉ đạt 37.822 đô la Mỹ /ngày, theo Baltic Exchange.
Phản ứng của Trump
Hiện vẫn chưa rõ Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp cận các biện pháp trừng phạt này như thế nào khi ông nhậm chức vào tuần tới. Nhiều khả năng Nga sẽ tìm cách lách qua các hạn chế. Nếu Ấn Độ tìm kiếm các nguồn dầu thay thế, có khả năng họ sẽ lựa chọn các nhà cung cấp gần hơn so với Nga, điều này có thể hạn chế mức tăng giá cước vận tải. Việc mất nguồn hàng từ hai nhà xuất khẩu bị trừng phạt, nếu xảy ra, cũng có thể gây áp lực giảm giá.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, một phần lớn đội tàu vận tải toàn cầu đã bị trừng phạt, làm gia tăng nguy cơ đối với hoạt động thương mại. Clarksons Securities AS ước tính rằng khoảng 1/10 đội tàu chở dầu thô hiện nay đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Các nhà phân tích, bao gồm Frode Morkedal, dự đoán rằng thu nhập từ vận tải có thể đạt mức 100.000 đô la Mỹ/ngày trong năm nay, mức cao chưa từng thấy kể từ cuối năm 2022.
“Đối với ngành tàu chở dầu, điều quan trọng nhất là sự thay đổi trong câu chuyện về thương mại ngầm”, Jon Nikolai Skaaland, nhà phân tích tại SEB AB, nhận xét. “Mỹ dường như rất quyết tâm trừng phạt Nga và Iran”.
Ngọc Quỳnh
Nguồn: gcaptain