Sản lượng container toàn cầu đã thể hiện sự tăng trưởng đáng kể trong thập kỷ qua, và dự kiến sẽ còn tăng thêm trong tương lai gần.
Dữ liệu từ năm 2012 đến năm 2021 cho thấy sản lượng container toàn cầu tăng đều đặn, từ 622 triệu TEU năm 2012 lên 801 triệu TEU năm 2021. Xu hướng tăng này dự kiến sẽ tiếp tục, với dự báo tăng lên 988 triệu TEU vào năm 2027.
Sự tăng trưởng bền vững này cho thấy hoạt động kinh tế mạnh mẽ và sự phụ thuộc ngày càng nhiều của thương mại toàn cầu vào vận tải đường biển, đòi hỏi phải đầu tư liên tục vào cơ sở hạ tầng cảng biển và quản lý logistics tiên tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Khi tập trung cụ thể vào các quốc gia BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) và Khối phương Tây (Mỹ, Anh, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada), các mô hình khác nhau xuất hiện nhằm phản ánh động lực kinh tế và địa chính trị rộng hơn.
Đối với các quốc gia BRICS, sản lượng container đã cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng. Từ năm 2020 đến năm 2023, sản lượng đã tăng từ khoảng 278 triệu TEU lên 404 triệu TEU, nhấn mạnh vai trò ngày càng lớn của các quốc gia này trong lĩnh vực logistics hàng hải toàn cầu và sức ảnh hưởng ngày càng tăng của họ trong thương mại quốc tế.
Ngược lại, Khối phương Tây đã chứng kiến mức tăng trưởng vừa phải hơn về sản lượng container. Bắt đầu từ khoảng 219 triệu TEU vào năm 2020, đạt khoảng 228 triệu TEU vào năm 2023.
Mặc dù vẫn cho thấy được các mốc tăng trưởng, nhưng tốc độ lại giảm đi rõ rệt hơn so với các quốc gia BRICS, cho thấy rằng ảnh hưởng của Khối phương Tây trong thương mại hàng hải ổn định nhưng không được tốt như tốc độ của các quốc gia BRICS.
Sự chênh lệch tăng trưởng giữa các quốc gia BRICS và Khối phương Tây có thể phản ánh sự thay đổi trong cơ sở sản xuất, sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng hoặc tốc độ tăng trưởng kinh tế khác nhau. Các quốc gia BRICS, có thể được hưởng lợi về mặt chi phí, vị trí địa lý chiến lược và phát triển cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, đang trở thành trung tâm trong mạng lưới thương mại hàng hải.
Nhìn chung, phân tích sản lượng container từ năm 2012 đến năm 2027, kết hợp với dữ liệu cụ thể về BRICS và Khối phương Tây từ năm 2020 đến năm 2023, minh họa một bức tranh năng động và đang phát triển trong thương mại hàng hải toàn cầu.
Điều này nhấn mạnh sự cần thiết cho tất cả các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia trong Khối phương Tây, phải thích ứng với động lực thay đổi để khai thác các cơ hội và giảm thiểu thách thức trong lĩnh vực cạnh tranh của thương mại toàn cầu.
Nhật Minh
Nguồn: container-news