Các nguồn tin thương mại nói với Reuters hôm thứ Hai rằng nhu cầu yếu ở Trung Quốc sẽ dẫn đến việc nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, Ả Rập Xê Út, giảm nguồn cung cho nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới trong tháng 12.
Sự sụt giảm nguồn cung từ Ả Rập Xê Út sẽ xảy ra bất chấp việc Vương quốc dầu mỏ này đã giảm giá bán chính thức (OSP) đối với loại dầu thô sẽ được vận chuyển cho châu Á trong tháng 12.
Tháng 12 sẽ là tháng thứ hai liên tiếp nguồn cung từ Ả Rập Xê Út đến Trung Quốc giảm, ước tính tổng cộng là 36,5 triệu thùng. Con số này giảm so với 37,5 triệu thùng dự kiến trong tháng này và 46 triệu thùng trong tháng 10, dựa trên dữ liệu thương mại do Reuters tổng hợp lại.
Nguồn cung dầu thô từ Ả Rập Xê Út đến Trung Quốc vào tháng tới cũng được cho là mức sản lượng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 7, vì các tập đoàn thuộc quyền sở của chính phủ Trung Quốc PetroChina, Sinopec và Sinochem dự kiến sẽ nhận ít hàng hơn từ quốc gia này.
Aramco, tập đoàn nhà nước của Ả Rập Xê Út, tuần trước đã giảm giá dầu thô sẽ được vận chuyển đến châu Á vào tháng 12.
Loại dầu thô hàng đầu của Ả Rập Xê Út, Arab Light, đã chứng kiến OSP của nó giảm 0,50 USD/thùng, xuống còn 1,70 USD/thùng so với tiêu chuẩn Dubai/Oman, từ đó các nhà xuất khẩu Trung Đông định giá dầu thô của họ cho thị trường châu Á.
Vương quốc này cũng cắt giảm OSP của tất cả các loại dầu xuất khẩu cho châu Á — Arab Extra Light, Super Light, Arab Medium và Arab Heavy, mặc dù mức giảm ở các loại dầu nặng hơn là thấp hơn so với dầu thô nhẹ hơn.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã không đạt được như mong đợi trong năm nay, với việc tháng 10 trở thành tháng thứ sáu liên tiếp khi mà lượng hàng hóa cập cảng thấp hơn so với lượng nhập khẩu trong cùng kỳ của năm 2023, dữ liệu chính thức của Trung Quốc thống kê cho biết vào tuần trước.
Công suất giảm tại một nhà máy lọc dầu của PetroChina và nhu cầu tiếp tục suy yếu từ các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc, còn được gọi là “teapot”, đã làm ảnh hưởng đến lượng nhập khẩu vào quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới trong tháng 10.
Nhu cầu của Trung Quốc yếu hơn dự kiến có thể là lý do tại sao nhóm OPEC+ trì hoãn việc bắt đầu nới lỏng cắt giảm sản lượng sang tháng 1 năm 2025, từ tháng 12 năm 2024, mặc dù liên minh này và các đồng minh của họ không đưa ra lý do cụ thể cho quyết định này.
Nhật Minh
Nguồn: oilprice