Kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng đã tăng trưởng chậm lại trong quý I và tốc độ tăng trưởng năm 2025 được dự báo sẽ thấp hơn so với năm ngoái, theo khảo sát của Reuters – làm gia tăng áp lực buộc Bắc Kinh phải tung thêm các gói kích thích trong bối cảnh thuế quan từ Mỹ leo thang đe dọa giáng đòn mạnh vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu – đã có khởi đầu khó khăn trong năm nay và đang đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất đối với ổn định tài chính và tăng trưởng, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục siết chặt thuế lên hàng hóa Trung Quốc lên mức cao "nghẹt thở".
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý I được dự báo đạt 5,1% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhẹ so với mức 5,4% trong quý IV năm ngoái, theo khảo sát của Reuters với 57 chuyên gia kinh tế công bố hôm thứ Sáu.
Tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống còn 4,5% vào năm 2025, thấp hơn mức 5,0% của năm 2024 và không đạt mục tiêu chính thức khoảng 5,0%.
Khảo sát cũng cho thấy kinh tế Trung Quốc có thể chỉ tăng 4,7% trong quý II, phản ánh giai đoạn khó khăn phía trước cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Viễn cảnh trở nên u ám hơn vào năm 2026, khi giới phân tích dự báo tăng trưởng có thể giảm xuống chỉ còn 4,2%.
“Chúng tôi cho rằng khả năng cao Trung Quốc sẽ đẩy nhanh các gói kích thích trong nước. Chính sách tài khóa nên đóng vai trò dẫn dắt mở rộng nhu cầu nội địa trong bối cảnh chịu các cú sốc từ bên ngoài”, các chuyên gia phân tích của Citi nhận định.
“Hướng ưu tiên trước mắt có thể là tăng tốc triển khai chính sách”, họ nói thêm, đồng thời dự báo Trung Quốc có thể bơm thêm khoảng 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 204,86 tỷ USD) vào giữa năm nay.
Tổng thống Trump đã công bố tạm dừng áp thuế trong 90 ngày đối với hàng chục quốc gia sau khi loạt quyết định tăng thuế liên tiếp của ông khiến thị trường tài chính chao đảo, nhưng đồng thời lại nâng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên mức hiệu quả 145%.
Đáp trả, Trung Quốc cũng nâng thuế lên hàng hóa Mỹ lên tới 125%, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Căng thẳng thương mại với Mỹ nổ ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang chật vật vực dậy nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19, khi nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn yếu do niềm tin thấp kéo dài vì khủng hoảng bất động sản và áp lực giảm phát quay trở lại.
Các dữ liệu gần đây cho thấy quá trình phục hồi kinh tế diễn ra thiếu đồng đều.
Sự phục hồi ban đầu trong doanh số bán lẻ và sự mở rộng mạnh mẽ của hoạt động sản xuất công nghiệp đang bị lu mờ bởi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Giá tiêu dùng tại Trung Quốc đã giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 3, trong khi tình trạng giảm phát tại nhà máy trở nên nghiêm trọng hơn, do căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ làm dấy lên lo ngại về lượng hàng tồn kho lớn chưa bán được – yếu tố có thể tiếp tục kéo giá trong nước xuống thấp hơn nữa.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng cho năm 2025 là “khoảng 5%”, song giới phân tích cho rằng mục tiêu này ngày càng khó đạt được trước áp lực từ các mức thuế cao ngất ngưởng của Mỹ.
Tuần trước, hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch đã hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Trung Quốc, với lý do nợ công tăng nhanh và những rủi ro đối với tài chính công – cho thấy các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đối mặt với bài toán khó trong việc thúc đẩy tiêu dùng nhằm ứng phó với suy giảm thương mại.
Theo khảo sát, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý I được dự báo đạt 1,4% so với quý trước, giảm nhẹ so với mức 1,6% của quý IV năm ngoái.
Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ công bố dữ liệu GDP quý I cùng với các số liệu kinh tế tháng 3 vào lúc 02:00 GMT ngày 16 tháng 4.
TRUNG QUỐC SẮP “BƠM TIỀN” ĐỂ CỨU NGUY NỀN KINH TẾ?
Trong tháng Ba, Trung Quốc đã công bố một số biện pháp tài khóa, bao gồm việc tăng mức thâm hụt ngân sách hàng năm. Giới chức nước này cũng đã phát tín hiệu sẽ tung thêm các gói kích thích tài khóa và tiền tệ nhằm đối phó với những thách thức ngày càng gia tăng.
Bộ Chính trị – cơ quan ra quyết định cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc – dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp trong tháng này để đề ra chương trình chính sách cho những tháng sắp tới.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) nhiều lần cam kết sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) và lãi suất vào thời điểm thích hợp.
Theo khảo sát của Reuters, các nhà phân tích dự báo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) ít nhất 25 điểm cơ bản trong quý II, sau khi đã hạ 50 điểm cơ bản hồi tháng 9 năm ngoái.
PBOC cũng được kỳ vọng sẽ giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm (LPR) thêm 15 điểm cơ bản trong quý này.
Lạm phát tiêu dùng được dự báo sẽ tăng nhẹ lên 0,4% trong năm 2025 từ mức 0,2% của năm 2024 – vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 2% của chính phủ – và có thể tiếp tục tăng lên 1,0% vào năm 2026.
Chris Lin
Nguồn: Hellenicshipping