Hoa Kỳ sẽ áp dụng phí đối với các tàu được đóng tại Trung Quốc cập cảng Mỹ — bất kể quyền sở hữu, theo một quy định mà cộng đồng hàng hải toàn cầu đã chờ đợi trong nhiều tháng qua.
Tin vui hiếm hoi dành cho các chủ tàu không thuộc Trung Quốc là biện pháp cuối cùng ít nghiêm ngặt hơn so với đề xuất ban đầu là mức phí cố định 1,5 triệu đô la Mỹ cho mỗi lần tàu ghé cảng. Trong khi đó, các chủ tàu Trung Quốc có thể phải đối mặt với các khoản phí cao hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, là ví dụ mới nhất về việc chính quyền Trump nhắm mục tiêu trừng phạt kinh tế Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Các chủ tàu không phải Trung Quốc sẽ bị tính phí cao hơn giữa hai loại phí: phí dựa trên tải trọng, bắt đầu từ 18 đô la Mỹ mỗi tấn tải trọng thuần kể từ ngày 14 tháng 10 năm 2025 và tăng dần lên 33 đô la Mỹ mỗi tấn vào ngày 17 tháng 4 năm 2028, hoặc phí dựa trên số lượng container, bắt đầu từ 120 đô la Mỹ mỗi container được dỡ hàng vào ngày 14 tháng 10 năm 2025 và tăng lên 250 đô la Mỹ mỗi container vào ngày 17 tháng 4 năm 2028.
Các tàu chở ô tô không được đóng tại Mỹ sẽ bị tính phí 150 đô la Mỹ cho mỗi xe.
Các tàu chở LNG sẽ bắt buộc phải vận chuyển 1% lượng LNG xuất khẩu của Hoa Kỳ bằng các tàu được đóng, vận hành và treo cờ Hoa Kỳ trong vòng bốn năm. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 4% vào năm 2035 và 15% vào năm 2047.
Các khoản phí sẽ được áp dụng một lần cho mỗi chuyến đi đối với các tàu bị ảnh hưởng, tối đa sáu lần mỗi năm.
Việc tạm hoãn khoản phí — tối đa ba năm — có thể được chấp thuận nếu chủ tàu đặt hàng và tiếp nhận một tàu được đóng tại Mỹ có tải trọng thuần bằng hoặc lớn hơn.
Các miễn trừ được áp dụng cho tàu nhỏ hơn, các chuyến đi nội địa cũng như đến vùng Caribe và Great Lakes, và một số loại tàu chuyên dụng nhất định. Ngoài ra, các tàu hàng rời đến cảng Hoa Kỳ để xếp hàng xuất khẩu như lúa mì và đậu tương cũng được miễn.
Các biện pháp được công bố ngày hôm qua không áp dụng cho tàu container có sức chở dưới 4.000 TEU. Chúng cũng không áp dụng cho các hành trình ngắn hơn 2.000 hải lý.
Các chủ tàu và nhà khai thác Trung Quốc có vẻ sẽ phải chịu các khoản phí cao hơn nhiều. Họ sẽ bị tính phí ban đầu là 50 đô la Mỹ mỗi tấn tải trọng thuần, và tăng thêm 30 đô la Mỹ mỗi tấn mỗi năm trong ba năm tới.
Đối với ngành vận tải container, nơi các nhà khai thác Trung Quốc như COSCO và OOCL thường sử dụng tàu có sức chở khoảng 13.000 TEU trên tuyến xuyên Thái Bình Dương — tương đương khoảng 60.000 tấn tải trọng thuần — điều này tương đương với khoản phí 8,4 triệu đô la Mỹ cho mỗi tàu, theo tính toán của Lars Jensen, Giám đốc Công ty Tư vấn Container Vespucci Maritime, người lưu ý rằng đề xuất mới của Hoa Kỳ không có giới hạn phí tối đa, trong khi đề xuất trước đó có giới hạn là 1 triệu đô la Mỹ.
“Các con tàu và ngành vận tải biển là sống còn đối với an ninh kinh tế của Hoa Kỳ và sự lưu thông thương mại tự do,” đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) Jamieson Greer phát biểu trong một tuyên bố. “Các hành động của chính quyền Trump sẽ bắt đầu đảo ngược sự thống trị của Trung Quốc, giải quyết các mối đe dọa đối với chuỗi cung ứng Hoa Kỳ và gửi đi một tín hiệu về nhu cầu đối với các tàu được đóng tại Mỹ”.
Chưa dừng lại với mục tiêu nhắm vào cơ sở hạ tầng hàng hải của Trung Quốc, USTR đã ấn định ngày 19 tháng 5 là thời điểm tổ chức phiên điều trần về việc áp thuế 100% đối với cẩu bốc dỡ tại cảng, khung gầm chở container và các bộ phận khung gầm.
Trong khi các công đoàn thép và đóng tàu của Hoa Kỳ hoan nghênh thông báo từ chính quyền Trump, nhiều nhà xuất khẩu bày tỏ lo ngại, trong bối cảnh thương mại xuyên Thái Bình Dương đang sụp đổ vì cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
“Chúng tôi vô cùng lo ngại rằng các khoản phí cảng và quy định vận tải biển vừa được công bố sẽ gây hậu quả tàn khốc đối với người lao động, người tiêu dùng và các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ,” ông Nate Herman, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách chính sách tại Hiệp hội May mặc & Giày dép Hoa Kỳ (AAFA), phát biểu.
Các nhà phân tích tại Signal Ocean, một công ty phân tích dữ liệu hàng hải có trụ sở tại Hy Lạp, cho biết các khoản phí mới này đại diện cho một “cú sốc chi phí lớn”.
“Các hệ quả trong ngắn và trung hạn có thể bao gồm việc tăng giá cước vận tải, giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu và thay đổi các tuyến thương mại. Nếu không có các khoản đầu tư song song vào năng lực đóng tàu trong nước và sự rõ ràng hơn về chính sách, rủi ro gián đoạn thương mại và áp lực lạm phát sẽ vẫn tồn tại”, Signal cảnh báo.
Ngọc Quỳnh
Nguồn: spalsh247