PANAMA CITY, ngày 31 tháng 10 (Reuters) – Kênh đào Panama, một trong những tuyến thương mại hàng hải chính của thế giới, sẽ tiếp tục giảm lượng tàu qua lại hàng ngày trong những tháng tới do hạn hán nghiêm trọng, làm tăng chi phí vận chuyển, các nhà chức trách quản lý kênh đào cho biết vào cuối ngày thứ hai.
Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama (ACP) cho biết trong một tư vấn cho khách hàng rằng, số lượt tàu đã đặt sẽ giảm từ 31 lượt xuống còn 25 lượt mỗi ngày bắt đầu từ ngày 3 tháng 11 và sẽ giảm dần trong ba tháng tới, xuống còn 18 chỗ từ ngay 1 tháng 2.
Trong những tháng gần đây, ACP đã áp đặt nhiều hạn chế đi lại khác nhau để bảo tồn lượng nước khan hiếm, bao gồm cắt mớn nước tàu và cấp phép lưu thông qua lại hàng ngày.
ACP cho biết mực nước ở hồ Gatun, hồ chứa chính lấy nước mưa đưa tàu qua hệ thống âu tàu của Kênh đào Panama, “tiếp tục giảm xuống mức chưa từng thấy vào thời điểm này trong năm”.
Cơ quan này cho biết: “Lượng mưa ghi nhận trong tháng 10 là mức thấp kỷ lục kể từ năm 1950 (thấp hơn 41%) và cho đến nay, năm 2023 được xếp hạng là năm khô hạn thứ 2 trong cùng kỳ”.
Kiểu khí hậu El Nino xuất hiện tự nhiên liên quan đến nước ấm hơn bình thường ở vùng nhiệt đới trung và đông Thái Bình Dương đang góp phần gây ra hạn hán ở Panama.
Lượng mưa năm nay đến muộn và thiếu lượng mưa ở lưu vực kênh đào đã buộc chính quyền kênh đào phải giảm nhẹ công suất vận chuyển trung bình hàng ngày xuống còn 32 tàu mỗi ngày kể từ ngày 30 tháng 7.
Các hạn chế hiện tại đã dẫn đến sự chậm trễ kéo dài, với hàng chục tàu chờ để đi qua kênh.
Một lưu ý của nhà phân tích từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng sự chậm trễ tại kênh đào “đã đẩy giá vận chuyển lên cao hơn ở những nơi khác bằng cách giảm số lượng tàu có sẵn trên toàn cầu”.
Họ cũng cho biết sự chậm trễ đối với một số hãng vận chuyển khí đốt đang ở mức cao kỷ lục ở Panama, đẩy chi phí vận chuyển khí hóa lỏng từ Mỹ lên cao.
Nguồn: gcaptain.com
Biên dịch: Ms. Hoài