Các tàu đang phải chờ tới ba ngày để được cập cảng tại Singapore (trong ảnh) do tình trạng dồn tàu và ùn tắc.
Nguồn ảnh: MMXeon.
Singapore đã gia nhập cùng Thượng Hải – hai cảng có lưu lượng container lớn nhất thế giới – trong việc đối mặt với tình trạng tắc nghẽn cảng, xuất phát từ làn sóng xuất khẩu tăng mạnh sang Hoa Kỳ trong giai đoạn tạm hoãn áp thuế 90 ngày, theo thông tin từ các hãng giao nhận và hãng tàu.
Hoạt động tại cảng Singapore đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, khi hàng trung chuyển bị chậm trễ lên tới hai tuần, theo cập nhật mới nhất từ hãng giao nhận Kuehne + Nagel trên nền tảng theo dõi SeaExplorer hôm thứ Tư. Trong khi đó, hãng tàu Hapag-Lloyd cho biết, theo cập nhật hôm thứ Hai, các tàu container phải chờ tới ba ngày mới có thể cập bến tại các bến cảng chính do tình trạng dồn tàu và ùn tắc kéo dài.
Với vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất thế giới, Singapore là điểm lý tưởng để các hãng tàu thực hiện trung chuyển khi họ điều chỉnh tàu từ các tuyến châu Âu và tuyến dài sang phục vụ cho thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc tại các cảng khác ở châu Á cũng đang góp phần gây tồn đọng tàu tại Singapore.
Người phát ngôn của PSA cho biết với Journal of Commerce: “PSA Singapore đã chứng kiến lượng lớn tàu container cập cảng trong vài tuần gần đây, do nhiều yếu tố như việc các hãng tàu điều chỉnh lại lịch trình để thích ứng với những thay đổi trong kinh doanh và các vấn đề toàn cầu nhằm tối ưu hóa mạng lưới vận hành, cũng như tác động dây chuyền từ tình trạng ùn tắc và chậm trễ tại các cảng khác.”
Cũng theo người phát ngôn này, cảng đang huy động tối đa công suất dự phòng và nguồn lực hiện có nhằm giảm thiểu tác động từ sự gia tăng đột biến số lượt tàu cập cảng.
Tình trạng ùn tắc tại Thượng Hải trở nên nghiêm trọng hơn
Tình hình tại Thượng Hải cũng đang xấu đi, khi các hãng vận tải báo cáo thời gian chờ cập cảng đã tăng lên tới 5 ngày, so với khoảng 3 ngày vào tuần trư
ớc, theo cập nhật từ Kuehne + Nagel (K+N).
Hãng giao nhận lớn nhất thế giới cho biết các chủ hàng đang chuyển hướng hàng hóa khỏi Thượng Hải sang cảng Ninh Ba để tránh chậm trễ, dẫn đến việc làm chậm hoạt động tại Ninh Ba. Tương tự, tình trạng ùn tắc tại cảng Port Klang – cụm cảng cửa ngõ của Malaysia – cũng trở nên nghiêm trọng, với hoạt động “bị gián đoạn nghiêm trọng” và thời gian chờ tàu lên tới 3 ngày, theo cập nhật từ nền tảng SeaExplorer của K+N.Shanghai congestion worsens
Tan Hua Joo, đồng sáng lập nền tảng dữ liệu vận tải biển Linerlytica, chia sẻ với Journal of Commerce: “Cả Singapore và Port Klang đều đang gặp tình trạng chậm cập cảng kéo dài do lưu lượng tàu container tăng cao và hiện tượng các tàu đến dồn dập, bắt nguồn từ sự chậm trễ tại các cảng đầu nguồn.”
Ông cũng cho biết thêm, tại khu vực Nam Á, các cảng Colombo (Sri Lanka), Mundra (Ấn Độ) và Chittagong (Bangladesh) “hiện cũng đang ghi nhận thời gian chờ cập bến tăng đáng kể”.
Lịch trình khai thác của hãng tàu Ocean Network Express (ONE) trong tuần này cho thấy rõ áp lực gia tăng tại Singapore và Port Klang đang ảnh hưởng trực tiếp đến tính linh hoạt của mạng lưới vận tải. Cụ thể, tàu Wan Hai 331 (sức chở 3.000 TEU), hiện khai thác tuyến Nhật Bản – Eo biển – Malaysia, đã khởi hành trễ 4 ngày tại Hồng Kông vào thứ Sáu tuần trước. Tuy nhiên, do tình trạng chậm cập cảng tại Singapore và Port Klang, tổng thời gian trễ đã tăng lên 8 ngày, với lịch cập cảng Singapore dự kiến vào ngày 3 tháng 6.
Theo cập nhật từ ONE, trong tháng 6 và 7, hãng đã điều chỉnh thời gian dự kiến hành trình từ Hồng Kông đến Singapore từ 4 ngày lên tối đa 7 ngày đối với một loạt tàu khai thác các tuyến nội Á và châu Âu – Địa Trung Hải, nhằm phản ánh thực tế chậm trễ khi cập cảng tại Singapore.
Theo Kuehne + Nagel, các cảng khác ở châu Á — bao gồm Thiên Tân, Thanh Đảo, Thâm Quyến, Nam Sa và Hồng Kông (Trung Quốc); Busan (Hàn Quốc); Yokohama (Nhật Bản); TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam); và Manila (Philippines) — cũng đang đối mặt với tình trạng suy giảm hiệu suất khai thác cảng.
Theo chỉ số theo dõi tàu của Portcast, số lượng tàu chờ tại các cảng trọng điểm châu Á đã có xu hướng tăng trở lại trong hai tuần qua, sau khi giảm mạnh từ mức đỉnh hồi đầu tháng 5. Cụ thể, vào thứ Tư, có 62 tàu chờ cập cảng Thượng Hải — gần gấp đôi so với giữa tháng 5. Tình trạng tồn tàu bên ngoài cảng Singapore đạt đỉnh 55 chiếc vào ngày 14/5, trước khi giảm xuống còn 23 tàu vào ngày 21/5, theo dữ liệu của Portcast.
Mối quan tâm chuyển sang Bờ Tây Hoa Kỳ
Tại cuộc họp đại hội đồng thường niên của Evergreen Marine vào thứ Năm, Chủ tịch Trương Diên Nghĩa (Chang Yen-yi) cho biết tình trạng ùn tắc cảng sẽ lan tới các cảng Bờ Tây Hoa Kỳ trong tháng tới, khi các tàu từ châu Á – bao gồm cả công suất tăng cường mà các hãng tàu triển khai trong thời gian tạm ngừng áp thuế – bắt đầu cập cảng Los Angeles và Long Beach.
Gene Seroka, Giám đốc điều hành Cảng Los Angeles, bày tỏ sự tự tin rằng cửa ngõ container bận rộn nhất nước Mỹ đã sẵn sàng để xử lý lượng hàng tăng lên, mà ông đánh giá là sẽ ở mức nhẹ so với các đợt tăng đột biến trước đây, như trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
“Bạn sẽ không thấy một làn sóng hàng hóa dồn dập đổ về cảng Los Angeles”, ông Seroka nói trong buổi họp báo ngày 18/5. “Chúng tôi sẽ không bị bất ngờ”.
Tương tự như trong thời kỳ đại dịch, điểm nghẽn lớn nhất về năng lực xử lý khi lượng hàng nhập khẩu tăng vọt sẽ không nằm ở các bến cảng mà ở bên ngoài cổng container đường bộ. Khi container rời cảng, làn sóng hàng hóa liên vận quốc tế sẽ gây áp lực lên nguồn cung toa xe đường sắt, đồng thời các nhà nhập khẩu và người nhận hàng có thể đối mặt với tình trạng thiếu kho bãi và rơ-moóc vận chuyển.
Chris Lin
Nguồn: joc