Oleksandr Kalinichenko
Chính phủ Panama đã lên tiếng phản bác mạnh mẽ trước cáo buộc từ tổ chức United Against Nuclear Iran (UANI) liên quan đến vai trò của nước này trong việc thực thi lệnh trừng phạt đối với hoạt động buôn bán dầu của Iran.
Cơ quan Hàng hải Panama (AMP) cho biết, kể từ năm 2019, họ đã thu hồi đăng kiểm hơn 650 tàu nhằm tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và góp phần chống tài trợ khủng bố, đánh bắt trái phép.
Tuyên bố này được đưa ra nhằm đáp lại những gì họ cho là "cáo buộc sai lệch" từ CEO Mark D. Wallace của UANI.
Căng thẳng leo thang sau khi phân tích của UANI chỉ ra rằng 17% số tàu bị nghi vận chuyển dầu Iran—tức 94 trên 542 tàu được theo dõi—hiện đang treo cờ Panama.
Ông Wallace đã kêu gọi áp đặt trừng phạt ngay lập tức, cho rằng Panama đã “tạo điều kiện cho Iran bán dầu trị giá hàng tỷ đô la Mỹ”.
Panama phản bác bằng cách viện dẫn việc gỡ đăng kiểm 107 tàu có liên quan đến vi phạm trừng phạt trong tháng 3/2025 và triển khai quy định mới theo Sắc lệnh số 512 từ tháng 10/2024.
Chính phủ Panama nhấn mạnh vai trò hợp tác quốc tế, đặc biệt là việc tham gia Thỏa thuận chia sẻ thông tin đăng kiểm (RISC) với Liberia, Vanuatu, Quần đảo Marshall, Dominica, Antigua & Barbuda, và Moldova.
Thỏa thuận RISC yêu cầu các quốc gia thành viên chia sẻ thông tin về tàu có liên quan đến hoạt động vi phạm lệnh trừng phạt.
Dù vậy, UANI cho rằng các hành động của Panama là chưa đủ, dẫn chứng lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 4/2025 đối với ba tàu liên quan đến Iran – trong đó có hai tàu treo cờ Panama.
“Panama từ lâu đã là quốc gia treo cờ được các đối tượng vi phạm lệnh trừng phạt và buôn lậu dầu ưa chuộng,” ông Wallace tuyên bố.
“Bất chấp những tuyên bố tô hồng về tiến bộ, Cơ quan Hàng hải Panama vẫn thất bại trong việc chấm dứt vai trò đồng lõa trong hoạt động buôn lậu dầu của Iran”.
“Lá cờ Panama tung bay trên các con tàu khắp thế giới đang nhuốm máu”, ông nói thêm.
Panama tiếp tục bảo vệ lập trường của mình bằng cách nhấn mạnh sự hợp tác với chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Panama và liên lạc trực tiếp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Cơ quan hàng hải cũng khẳng định cam kết điều tra việc tuân thủ các công ước của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) và các khuyến nghị của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Cuộc tranh cãi này phản ánh những thách thức lớn mà các cơ quan quản lý hàng hải quốc tế đang đối mặt trong việc ngăn chặn hành vi né tránh lệnh trừng phạt – đặc biệt trong bối cảnh hệ thống đăng kiểm và treo cờ tiện lợi toàn cầu ngày càng phức tạp.
Ngọc Quỳnh|
Nguồn: gcaptain