Các tàu container – lực lượng chủ lực của thương mại toàn cầu, vận chuyển gần 90% hàng hóa sản xuất trên thế giới – đang trở thành mục tiêu trong cuộc đối đầu của Donald Trump với Trung Quốc, và không hãng vận tải lớn nào có thể tránh khỏi chi phí phát sinh.
Trump muốn trừng phạt các hãng vận hành tàu Trung Quốc nhằm kích thích sự phát triển của ngành đóng tàu tại Mỹ. Một trong các đề xuất là áp phí ít nhất 1 triệu USD mỗi lần một tàu do Trung Quốc vận hành hoặc đóng tại Trung Quốc cập cảng Mỹ.
Với việc tàu Trung Quốc hiện chiếm tỷ trọng lớn trong cả đội tàu đang hoạt động và sổ đặt hàng, các hãng vận tải lớn sẽ nhanh chóng phải gánh khoản phí này trừ khi họ thực hiện những điều chỉnh lớn, theo ông Peter Sand – chuyên gia phân tích trưởng tại nền tảng phân tích vận tải Xeneta có trụ sở tại Oslo.
“Chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ được thực hiện, có thể với một vài điều chỉnh. Nhưng phí sẽ được áp dụng vào một thời điểm nào đó”, ông nói. “Các hãng vận tải sẽ phải điều chỉnh lại mạng lưới khai thác – và điều đó tất nhiên đi kèm với chi phí”.
Các hãng vận tải Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nhất, do hầu hết đội tàu của họ được đóng trong nước. Tuy nhiên, hai hãng vận tải lớn nhất thế giới – MSC (Mediterranean Shipping Co.) và A.P. Moller-Maersk – cũng đối mặt với thách thức.
Theo dữ liệu từ Alphaliner, khoảng 25% đội tàu hiện tại của hai hãng này được đóng tại Trung Quốc, và phần lớn đơn hàng đóng mới cũng đặt tại các xưởng tàu Trung Quốc. Cụ thể, hơn 90% đơn đặt hàng hiện tại của MSC là với các nhà máy Trung Quốc, còn hơn 70% tàu mới của Maersk cũng sẽ được đóng tại đây. Điều này khiến chi phí tiềm năng từ loại thuế cảng mới trở nên cao hơn – thuế dự kiến sẽ tính theo mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, các hãng vẫn tiếp tục duy trì kế hoạch.
“Các hãng vận tải không hề ngừng đặt tàu tại các xưởng Trung Quốc,” ông Mael Pape-Leostic, chuyên gia phân tích của Alphaliner, bình luận qua email. “Ví dụ, MSC, CMA CGM và Evergreen đã lần lượt đặt mua các tàu ‘megamax’ tại Trung Quốc vào tháng 2 và tháng 3”.
Trong bối cảnh chưa rõ mức thuế cuối cùng của Mỹ sẽ như thế nào, nhiều hãng tàu đã bắt đầu dịch chuyển các tàu đóng tại Trung Quốc khỏi các tuyến vận chuyển đến Mỹ. Một số hãng cũng có thể sẽ giảm số lượng cảng Mỹ ghé thăm để tránh thuế, điều này làm gia tăng nguy cơ tắc nghẽn và đẩy giá cước tăng cao, theo ông Sand từ Xeneta. Ông cũng lưu ý rằng liên minh Gemini – sự hợp tác giữa Maersk và Hapag-Lloyd – có lợi thế hơn MSC nhờ chiến lược lựa chọn cảng khác nhau.
“Nếu chỉ nhìn vào quy định cơ bản, cả ba hãng sẽ bị ảnh hưởng như nhau,” ông nói. “Nhưng MSC ghé nhiều cảng hơn, và điều đó cuối cùng sẽ khiến chi phí của họ cao hơn”.
Maersk, Hapag-Lloyd và MSC đều từ chối bình luận.
Ông Sand ước tính Cosco Shipping Holdings của Trung Quốc có thể phải chịu mức thuế lên đến 3,1 triệu đô la Mỹ cho mỗi lần cập cảng Mỹ, dựa trên tỷ lệ tàu do Trung Quốc đóng trong đội tàu hiện tại và việc toàn bộ tàu trong sổ đặt hàng đều được đặt tại Trung Quốc. Với MSC và Maersk, mức thuế ước tính sẽ dưới 1 triệu đô la Mỹ mỗi lần cập cảng.
Theo Clarksons Research Services – một đơn vị thuộc hãng môi giới tàu lớn nhất thế giới – loại thuế này về mặt lý thuyết có thể tạo ra doanh thu từ 40 đến 52 tỷ đô la Mỹ cho ngân sách Mỹ.
Ngọc Quỳnh
Nguồn: gcaptain