Xung đột Israel–Iran đã phơi bày những giới hạn trong quan hệ đối tác toàn cầu của Tehran, một phần do Moscow và Bắc Kinh theo đuổi các lợi ích riêng tại Trung Đông và có thể hưởng lợi từ biến động giá dầu – theo nhận định của các chuyên gia tại các sự kiện ngày 30/6 và 1/7.
Trung Quốc và Nga duy trì mối quan hệ lâu dài với Iran, từng nhiều lần trao đổi vũ khí, máy bay không người lái, công nghệ lưỡng dụng và các phương thức né tránh lệnh trừng phạt.
Leo thang xung đột giữa Israel và Iran có thể vừa có lợi vừa gây hại cho Nga, theo bà Maria Snegovaya – chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – phát biểu tại một sự kiện ngày 30/6.
Theo bà, các đợt không kích mới có thể phá hủy những cơ sở sản xuất máy bay không người lái tiên tiến của Iran – vốn được chuyển giao cho Nga. Tuy nhiên, xung đột leo thang cũng có thể đẩy giá dầu tăng cao, giúp Nga thu về thêm ngân sách cho chiến tranh.
“Doanh thu từ năng lượng vẫn chiếm khoảng 30% tổng ngân sách của Nga, và chúng ta đã thấy tầm quan trọng của nó hồi đầu năm nay. Khi giá dầu giảm, Nga buộc phải điều chỉnh lại ngân sách,” bà nói.
Giá dầu Urals giao ngay tại cảng Primorsk (FOB) đã vượt ngưỡng trần 60 USD/thùng do G7 áp đặt đối với dầu Nga trong phần lớn thời gian diễn ra xung đột Israel–Iran, vượt ngưỡng này từ ngày 13/6 và duy trì cho đến ngày 24/6. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Platts (thuộc S&P Global Commodity Insights), giá đã giảm xuống còn 56,32 USD/thùng vào ngày 1/7.
Dù Iran từng hỗ trợ Nga khi nước này tấn công Ukraine, nhưng Nga không vội đứng về phía Iran trong cuộc xung đột với Israel vì đang bị quá tải về nguồn lực và không đủ khả năng hỗ trợ – bà Snegovaya nhận định.
Hơn nữa, Nga muốn duy trì quan hệ với cả Ả Rập Xê Út và Israel, nên đang cố gắng thể hiện vai trò trung lập, tránh làm rạn nứt các mối liên kết hiện có với các quốc gia Trung Đông khác.
Lập trường của Trung Quốc
Trung Quốc không muốn chứng kiến chế độ Iran sụp đổ hay Eo biển Hormuz bị đóng cửa, theo ông Brian Hart – chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
Tuy nhiên, theo ông Hart, một Iran suy yếu ở mức vừa phải lại có thể mang lại lợi ích cho Bắc Kinh. “Điều đó có thể tạo cơ hội để Trung Quốc mua dầu với giá rẻ hơn trong tương lai,” ông nhận định.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), Trung Quốc là điểm đến của 89% lượng dầu thô xuất khẩu từ Iran trong năm 2023. Dữ liệu từ S&P Global Commodity Insights cũng cho thấy khoảng một nửa lượng dầu thô nhập khẩu qua đường biển của Trung Quốc trong năm 2024 đi qua Eo biển Hormuz. Trung Quốc hiện mua dầu Iran – vốn đang bị trừng phạt – với mức giá chiết khấu.
Tuy nhiên, lợi ích chiến lược mà Trung Quốc có thể thu được từ nguồn dầu giá rẻ là có giới hạn, ông Hart cho biết. “Tôi cho rằng mục tiêu tổng thể của họ là giữ cho tình hình ổn định, duy trì vai trò của Iran như một đối tác quan trọng, nhưng đồng thời khiến Iran tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc ở mức đáng kể.”
Giống như Nga, Trung Quốc cũng có nhiều lợi ích khác tại Trung Đông. “Iran không phải là đối tác kinh tế lớn của Trung Quốc nếu so với các quốc gia vùng Vịnh. Thực tế, kim ngạch thương mại giữa Iran và Trung Quốc còn kém xa so với thương mại giữa Trung Quốc và Ả Rập Xê Út,” ông Hart nhận xét.
Ẩn số Triều Tiên
“Vì vậy, khi chúng ta nói về trục Nga – Iran – Triều Tiên – Trung Quốc, điều khiến tôi lo ngại nhất là không còn bất kỳ giới hạn nào, dù chính thức hay phi chính thức, đối với hành vi của Triều Tiên như khi nước này còn nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc,” ông Cha nhận định.
Ông cũng cho biết tại sự kiện ngày 30/6 rằng Nga và Trung Quốc có thể sử dụng Triều Tiên như một lực lượng ủy nhiệm để hỗ trợ Iran về tên lửa và hệ thống phòng không – qua đó giúp Moscow và Bắc Kinh duy trì hình ảnh trung lập trước phương Tây và khu vực Trung Đông.
Chris Lin
Nguồn: spglobal