Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp vào thứ Tư nhằm khôi phục ngành hàng hải và đóng tàu của Hoa Kỳ để đối phó với sự thống trị của Trung Quốc trong các lĩnh vực này.
Sắc lệnh này phù hợp với Đạo luật SHIPS for America mang tính lưỡng đảng, được giới thiệu vào tháng 12 năm 2024 bởi Thượng nghị sĩ Mark Kelly (Đảng Dân chủ - Arizona) và Todd Young (Đảng Cộng hòa - Indiana), cùng với các Hạ nghị sĩ Trent Kelly (Đảng Cộng hòa - Mississippi, khu vực 1) và John Garamendi (Đảng Dân chủ - California, khu vực 8).
Sắc lệnh hành pháp, có tiêu đề “Khôi phục sự thống trị hàng hải của Hoa Kỳ,” giải quyết những lo ngại nghiêm trọng về an ninh quốc gia khi Mỹ hiện chỉ đóng chưa đến 1% số tàu thương mại toàn cầu, trong khi Trung Quốc chiếm tới 50% thị phần. Đáng lo ngại không kém, đội tàu treo cờ Mỹ hoạt động thương mại quốc tế chỉ có khoảng 80 chiếc, trong khi Trung Quốc sở hữu tới 5.500 tàu.
“Sắc lệnh này ghi nhận sự cần thiết cấp bách của một cách tiếp cận toàn diện để tái thiết ngành đóng tàu và hàng hải Hoa Kỳ,” nhóm nghị sĩ lưỡng đảng tuyên bố. “Ngành hàng hải và năng lực đóng tàu của Mỹ đã tụt hậu nghiêm trọng trong nhiều năm, tạo điều kiện để Trung Quốc vượt lên và trở thành một mối đe dọa lớn trên các đại dương.”
Đạo luật SHIPS for America đưa ra những mục tiêu đầy tham vọng, trong đó có việc mở rộng đội tàu treo cờ Mỹ hoạt động quốc tế thêm 250 tàu trong vòng một thập kỷ. Dự luật cũng đề xuất thành lập vị trí Cố vấn An ninh Hàng hải trong Nhà Trắng và tạo một quỹ để tái đầu tư các khoản phí ngành vào các chương trình an ninh hàng hải.
Tất cả những điều bạn cần biết về Sắc lệnh của Trump nhằm khôi phục vị thế hàng hải của Mỹ
Dựa theo một số sáng kiến từ Đạo luật SHIPS, sắc lệnh hành pháp này chỉ đạo một nỗ lực toàn diện từ các cơ quan trong chính phủ nhằm phục hồi ngành đóng tàu, mở rộng lực lượng lao động hàng hải và đối phó với sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Trọng tâm của sắc lệnh là Kế hoạch Hành động Hàng hải (MAP). Một Trợ lý của Tổng thống về An ninh Quốc gia sẽ phối hợp với các Bộ trưởng – bao gồm Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Thương mại, Lao động, Giao thông và An ninh Nội địa – để xây dựng chiến lược toàn diện và trình bày trong vòng 210 ngày. Các sáng kiến trọng yếu khác bao gồm: thành lập các “Vùng thịnh vượng hàng hải” (Maritime Prosperity Zones), phát triển và đầu tư vào các chương trình đào tạo nghề và cơ sở giáo dục, áp dụng thuế quan mới đối với thiết bị hàng hải của Trung Quốc, thành lập Quỹ Tín thác An ninh Hàng hải và các gói khuyến khích ngành đóng tàu để thu hút đầu tư.
Chủ tịch Ủy ban Giao thông và Cơ sở hạ tầng, ông Sam Graves (Đảng Cộng hòa – Missouri), ca ngợi sắc lệnh này và nhấn mạnh tiềm năng của nó trong việc đảo ngược tình trạng suy giảm kéo dài của ngành hàng hải Mỹ. “Sắc lệnh này là một bước ngoặt đáng hoan nghênh, thể hiện cam kết của Tổng thống Trump trong việc hồi sinh nền công nghiệp hàng hải nội địa.”
Chủ tịch Tiểu ban Tuần duyên và Giao thông Hàng hải, ông Mike Ezell, nhấn mạnh ý nghĩa của sắc lệnh đối với an ninh quốc gia: “Một ngành công nghiệp đóng tàu nội địa vững mạnh là điều thiết yếu đối với an ninh quốc gia, độc lập kinh tế và tương lai của lực lượng lao động hàng hải của chúng ta.”
Tổng thể các hành động lập pháp và hành pháp này đại diện cho nỗ lực phục hồi ngành hàng hải liên bang đầy tham vọng nhất trong lịch sử gần đây, giải quyết đồng thời các mối lo về an ninh quốc gia và năng lực cạnh tranh kinh tế trong ngành vận tải biển toàn cầu.
“Chúng tôi sẽ tái trình Đạo luật SHIPS for America với sự ủng hộ mạnh mẽ hơn trong vài tuần tới để ban hành các thẩm quyền cần thiết từ Quốc hội nhằm thực sự khôi phục ngành hàng hải và đóng tàu của Mỹ, và phối hợp với chính quyền để luật được thông qua,” Thượng nghị sĩ Kelly – một cựu binh Hải quân Hoa Kỳ và là cựu học viên đầu tiên của Học viện Thương thuyền Hoa Kỳ được bầu vào Quốc hội – tuyên bố. “Đó là cách chúng ta sẽ tạo ra việc làm cho người Mỹ bằng việc đóng thêm nhiều tàu biển và treo cờ Mỹ trên các tàu thương mại, qua đó giành lại vị thế lãnh đạo hàng hải toàn cầu của Hoa Kỳ”.
Ngọc Quỳnh
Nguồn: gcaptain