Theo BIMCO, hợp đồng đóng tàu chở dầu sản phẩm mới đã đạt mức cao nhất trong 10 năm trong năm nay, nhưng việc phá dỡ các tàu cũ và tác động của các quy định giảm phát thải cacbon có thể đặt ra thách thức cho việc lập kế hoạch đội tàu trong tương lai.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, 140 tàu chở dầu đóng mới đã được đặt hàng với tổng trọng tải 10,72 triệu tấn (DWT). Đây là số lượng DWT theo hợp đồng cao nhất kể từ năm 2013 và sau 5 năm số lượng đặt đóng tàu chở dầu thấp, đặc biệt giảm sâu vào tháng 12 khi số lượng đơn đặt đóng tàu chở dầu thành phẩm giảm xuống mức nhỏ nhất kể từ tháng 6 năm 2001 chỉ ở mức 9,6 triệu DWT.
Theo BIMCO, số lượng hợp đồng đóng tàu thấp hơn đã khiến tốc độ tăng trưởng đội tàu trung bình chỉ ở mức 2,6% trong 5 năm qua. Việc giao tàu dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp cho đến năm 2025, tại thời điểm đó, số lượng tàu dự kiến sẽ vượt 8 triệu DWT lần đầu tiên kể từ năm 2009.
Việc phá dỡ tàu sẽ hạn chế sự phát triển của đội tàu, nhưng thị trường tàu chở dầu dự kiến sẽ vẫn mạnh mẽ cho đến ít nhất là năm 2024. BIMCO cho biết điều này sẽ khuyến khích các chủ tàu duy trì hoạt động tàu lâu hơn. Các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu sản phẩm dầu của Nga đã tạo ra các giao dịch thương mại mới và cũng làm tăng nhu cầu đối với các tàu chở dầu sản phẩm cũ.
Tuy nhiên, BIMCO nhấn mạnh rằng 9% tàu chở dầu sản phẩm, tương đương 11,65 triệu DWT và 6% tổng đội tàu, đã trên 20 năm tuổi và đã sẵn sàng để phá dỡ, đặc biệt khi xem xét các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính nghiêm ngặt hơn.
Bất chấp các quy định giảm phát thải cacbon, chỉ có 16% số tàu trong số lượng đơn đặt hàng dự kiến sẽ sử dụng nhiên liệu thay thế. BIMCO chỉ ra rằng tác động của quá trình giảm phát cacbon đối với nhu cầu phải được xem xét khi lập kế hoạch cho đội tàu trong tương lai, vì nhu cầu nhiên liệu vận tải được dự đoán sẽ đạt đỉnh vào năm 2026. Cân bằng việc đổi mới đội tàu cho các mục tiêu giảm phát thải cacbon với nhu cầu tiềm năng đang suy giảm là một thách thức chính.
Nguồn: gcaptain
Biên dịch: Ellie Nguyen