Ủy ban Hàng hải Liên bang Mỹ (FMC) đã mở cuộc điều tra sâu rộng về bảy điểm nghẽn hàng hải quan trọng đang tác động đáng kể đến vận tải biển toàn cầu.
Cuộc điều tra, mang mã số FMC-2025-0005, tập trung xem xét các hạn chế trong lưu thông tại các tuyến đường thủy chiến lược, bao gồm Eo biển Manche, Eo biển Malacca, Tuyến đường Biển phía Bắc, Eo biển Singapore, Kênh đào Panama, Eo biển Gibraltar và Kênh đào Suez.
Khi cuộc điều tra tiếp tục diễn ra, FMC có trong tay nhiều công cụ thực thi khác nhau. Những biện pháp này bao gồm quyền ban hành quy định ảnh hưởng đến hoạt động vận tải thương mại quốc tế, hạn chế quyền tiếp cận cảng Mỹ đối với tàu từ các quốc gia không tuân thủ, tổ chức các phiên điều trần điều tra và thu thập bằng chứng thông qua trát hầu tòa và lời khai.
Dưới đây là đánh giá về những hạn chế trong lưu thông tại các điểm nghẽn hàng hải quan trọng. Đánh giá này phản ánh tình trạng của các tuyến đường này tính đến ngày 17/3/2025, dựa trên các báo cáo gần đây và xu hướng đã được ghi nhận.
– Eo biển Manche, nối Biển Bắc với Đại Tây Dương giữa Vương quốc Anh và Pháp, là một trong những tuyến vận tải biển nhộn nhịp nhất thế giới, với khoảng 500 lượt tàu qua lại mỗi ngày. Không có gián đoạn lớn nào được báo cáo vào đầu năm 2025, nhưng sự quan tâm của FMC có thể xuất phát từ những lo ngại dài hạn về khả năng lưu thông và tác động của thời tiết đối với tuyến đường này.
Sự ổn định địa chính trị giữa Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu giúp hạn chế các gián đoạn lớn, nhưng các thủ tục hải quan sau Brexit đôi khi vẫn làm chậm hoạt động tại các cảng Dover và Calais.
– Eo biển Malacca vận chuyển khoảng 25% tổng thương mại hàng hải toàn cầu, bao gồm khối lượng lớn dầu thô xuất sang Đông Á. Nạn cướp biển và cướp có vũ trang vẫn là mối lo ngại, với 62 vụ việc được báo cáo trong năm 2024 theo tổ chức ReCAAP, trong đó có một vụ tấn công nghiêm trọng nhằm vào tàu chở hàng rời vào ngày 7/1/2025. Dù số vụ tấn công đã giảm so với mức đỉnh trong quá khứ, những rủi ro này vẫn làm gia tăng đáng kể chi phí an ninh hàng hải. Việc các mối đe dọa an ninh tiếp tục kéo dài cùng với vai trò quan trọng của eo biển này trong thương mại năng lượng (chiếm 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc) nhiều khả năng là nguyên nhân khiến FMC đưa tuyến đường này vào diện giám sát.
– Tuyến đường Biển phía Bắc cung cấp lộ trình ngắn hơn giữa Châu Âu và Châu Á, nhưng việc khai thác vẫn bị hạn chế do băng tuyết và điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nga đang đẩy mạnh quân sự hóa khu vực Bắc Cực, bao gồm việc thiết lập các căn cứ mới và tăng cường tuần tra, làm gia tăng rủi ro địa chính trị và khả năng áp đặt phí trung chuyển hoặc hạn chế lưu thông.
Việc Nga ngày càng kiểm soát tuyến đường này đã gây lo ngại cho các nước phương Tây, có thể là lý do khiến FMC quan tâm đến tính ổn định của tuyến này đối với thương mại Mỹ. Dù hiện tại vẫn là tuyến vận tải ngách, bất kỳ gián đoạn nào cũng có thể ảnh hưởng đến tiềm năng của nó như một phương án thay thế Kênh đào Suez, tác động đến chiến lược vận tải dài hạn.
– Kênh đào Panama đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán, làm mực nước tại hồ Gatun giảm, khiến số lượt tàu qua lại giảm từ 38 xuống 24 lượt/ngày vào giai đoạn cao điểm từ 2023-2024. Mặc dù điều kiện cải thiện vào đầu năm 2025 (975 lượt tàu trong tháng 2), năng lực vận hành vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Căng thẳng địa chính trị bùng phát vào cuối năm 2024 khi Mỹ kêu gọi giành lại quyền kiểm soát kênh đào, làm dấy lên lo ngại về khả năng gián đoạn trong tương lai. Tuy nhiên, thương vụ bán cảng của Hutchison vào tháng 3/2025 đã phần nào xoa dịu tình hình. Cuộc điều tra của FMC, bắt đầu vào 14/3/2025, diễn ra trong bối cảnh tranh chấp Mỹ - Panama vẫn còn tồn tại và phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ vào tháng 1/2025 đã xem xét lại chính sách đối với kênh đào này.
– Eo biển Gibraltar kết nối Địa Trung Hải với Đại Tây Dương, với khoảng 60.000 lượt tàu qua lại mỗi năm. Mặc dù tình hình địa chính trị tại khu vực này tương đối ổn định, nhưng vị trí gần Bắc Phi đặt ra những lo ngại dài hạn về an ninh, chẳng hạn như nguy cơ nhập cư trái phép và buôn lậu.
Dù không có cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nào được ghi nhận vào đầu năm 2025, tầm quan trọng chiến lược của Gibraltar đối với thương mại giữa Châu Âu và Mỹ có thể là lý do khiến FMC quan tâm đến khu vực này.
– Kênh đào Suez đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về lưu lượng tàu do các cuộc tấn công của Houthi kể từ cuối năm 2023, khiến số lượt tàu trung bình hàng ngày giảm từ 80 vào tháng 10/2023 xuống còn 29 vào tháng 9/2024. Dù có sự phục hồi nhẹ vào đầu năm 2025 nhưng rủi ro vẫn còn cao.
Việc các tàu phải chuyển hướng qua Mũi Hảo Vọng đã kéo dài thời gian vận chuyển, gia tăng chi phí và gây áp lực lên chuỗi cung ứng của Châu Âu, Châu Á và Mỹ.
Chris Lin
Nguồn: container-news