Các doanh nghiệp, từ nhỏ đến lớn, đang đổ xô tận dụng các khu vực đặc biệt được Hải quan Mỹ phê duyệt nhằm tạm thời né tránh việc phải nộp thuế nhập khẩu theo chính sách mới của Tổng thống Trump.
Những khu vực này – gọi là khu thương mại tự do (Foreign Trade Zones – FTZs) và kho ngoại quan (bonded warehouses) – là các địa điểm lưu trữ hoặc sản xuất được chỉ định và bảo vệ an ninh, nơi hàng hóa không bị áp thuế nhập khẩu hay thuế tiêu thụ đặc biệt. Thuế chỉ được nộp khi hàng được rút khỏi FTZ hoặc kho ngoại quan để đưa vào thị trường nội địa Mỹ.
“Cách đây một năm, việc sử dụng FTZ gần như không được cân nhắc do chi phí đầu tư ban đầu quá lớn đối với doanh nghiệp,” ông Jackson Wood – Giám đốc chiến lược ngành tại Descartes Global Trade Intelligence, đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ cho FTZ – cho biết. “Giờ đây, nhiều công ty đang tính toán lại để xem liệu có hiệu quả tài chính hay không, và với một số doanh nghiệp, kể cả các công ty nhỏ, thì câu trả lời là có,” ông nói thêm, trong bối cảnh thuế nhập khẩu tăng vọt.
Hiện Mỹ đang tạm hoãn áp thuế mới trong 90 ngày đối với hầu hết các quốc gia, nhưng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc đã lên tới 145%.
Các khu thương mại tự do (FTZs) cho phép các nhà nhập khẩu và sản xuất tại Mỹ lưu trữ hàng hóa thành phẩm nhập khẩu trong thời gian không giới hạn mà không phải nộp thuế thương mại. Đối với hàng hóa nhập khẩu theo hình thức bảo lãnh (under bond) và đưa vào kho ngoại quan, thời gian lưu trữ tối đa là 5 năm kể từ ngày hàng cập cảng Mỹ. Tùy vào thời điểm hàng hóa được rút khỏi FTZ hoặc kho ngoại quan, doanh nghiệp có thể phải nộp mức thuế nhập khẩu, thuế và phí thấp hơn – hoặc thậm chí không phải nộp – đây là chiến lược quản lý nhập khẩu được gọi là “ tránh thuế” (inverted tariff).
Việc hoãn nộp các loại thuế, phí và lệ phí thường áp dụng khi nhập khẩu có thể giúp cải thiện đáng kể vị thế tài chính của doanh nghiệp thông qua tiết kiệm chi phí, tăng tính linh hoạt trong vận hành và cải thiện dòng tiền.
Ông Jeffrey J. Tafel, Chủ tịch Hiệp hội Các khu thương mại tự do quốc gia Hoa Kỳ (National Association of Foreign Trade-Zones), cho biết tổ chức của ông đã ghi nhận làn sóng gia tăng thành viên kể từ kỳ bầu cử tổng thống năm 2024, và số lượng đăng ký vẫn tiếp tục đổ về, đưa tổng số thành viên lên mức cao kỷ lục.“Với việc các chính sách thuế quan thay đổi quá nhanh, nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm không gian lưu trữ tại các khu thương mại tự do (FTZ) nhằm trì hoãn nghĩa vụ thuế cho đến khi họ quyết định được cách xử lý hàng hóa — phần lớn trong số đó đã được mua trước khi mức thuế mới được công bố,” ông Tafel cho biết. “Cứ mỗi khi thuế quan trở thành tâm điểm trên truyền thông, chúng tôi lại ghi nhận mức quan tâm gia tăng đối với tất cả các chương trình giúp doanh nghiệp Mỹ giảm thiểu tác động”.
Ông Tafel cho biết, nhu cầu quan tâm đến các đơn vị được cấp phép FTZ (FTZ grantees) – tức những tổ chức được Ủy ban Khu thương mại tự do Hoa Kỳ (Foreign-Trade Zones Board) ủy quyền thành lập, vận hành và duy trì các khu FTZ – cũng đang tăng mạnh, cao gấp 2 đến 4 lần so với mức bình thường.
Chương trình khu thương mại tự do (FTZ) được Quốc hội Mỹ khởi xướng từ những năm 1930 nhằm thúc đẩy đầu tư trong nước. Hiện chương trình này tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động Mỹ trên toàn bộ 50 bang và Puerto Rico, trải dài gần như toàn bộ các lĩnh vực công nghiệp.
Các doanh nghiệp hiện có thể lựa chọn không vận chuyển hàng hóa sang Mỹ, và dữ liệu mới nhất từ châu Á cho thấy số lượng đơn đặt hàng sản xuất và số chuyến tàu chở hàng đã giảm mạnh. Một phương án khác là tiếp tục đưa hàng vào Mỹ nhưng sử dụng các khu miễn thuế (FTZ) để tối ưu chi phí.
“Những thay đổi gần đây về thuế quan đã khiến các khu FTZ trở nên hấp dẫn hơn, bởi các hình thức giảm hoặc hoàn thuế khác như duty drawback không áp dụng cho các mức thuế mới này,” bà Chelsea Pavona Gardner, người phát ngôn của Maersk khu vực Bắc Mỹ, cho biết. “Vì vậy, nhiều doanh nghiệp từng loại bỏ phương án FTZ nay đang cân nhắc lại như một chiến lược khả thi,” bà nói thêm.
“Chúng tôi đang ở giai đoạn mà nhiều khách hàng chọn chờ thêm 30 ngày để xem tình hình sẽ diễn biến thế nào”, bà Janet Labuda – Trưởng bộ phận hải quan và thương mại tại Maersk – cho biết. “Một số khác thì đã chuyển hàng vào kho ngoại quan trong khoảng 30 ngày, chờ xem liệu mọi chuyện có lắng xuống hay không, rồi mới quyết định đưa hàng ra với mức thuế áp dụng tại thời điểm đó”, bà nói thêm.
Việc thiết lập một khu thương mại tự do (FTZ) có thể tốn kém, do phải chi trả cho các dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp để hoàn tất quy trình xin cấp phép và phê duyệt khu vực, cũng như tuyển dụng nhân sự được đào tạo và đầu tư vào hệ thống CNTT chuyên biệt để vận hành khu FTZ sau khi đi vào hoạt động.
Theo bà Gardner, việc sử dụng FTZ phụ thuộc nhiều hơn vào quy mô hoạt động nhập khẩu của doanh nghiệp hơn là ngành nghề cụ thể. Tuy nhiên, những lĩnh vực sử dụng FTZ phổ biến nhất trong quá khứ vẫn là hàng tiêu dùng và bán lẻ, ô tô, hàng không vũ trụ và điện tử.
Bên cạnh chức năng lưu trữ kho bãi, các nhà máy sản xuất – hoặc một phần trong nhà máy – cũng có thể được chuyển đổi thành khu thương mại tự do (FTZ) trong trường hợp linh kiện đầu vào của doanh nghiệp chịu thuế cao hơn so với sản phẩm hoàn chỉnh. Khi sản phẩm cuối cùng được đưa ra khỏi FTZ, doanh nghiệp chỉ phải nộp mức thuế thấp hơn áp dụng cho thành phẩm.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể xin Hải quan phê duyệt việc loại bỏ các nguyên vật liệu dư thừa không được sử dụng trong quá trình sản xuất, và phần phế liệu này sẽ không bị đánh thuế. Trường hợp xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài từ FTZ cũng có thể được miễn thuế tương tự.
Ông Jordan Dewart, Chủ tịch Redwood Logistics Mexico, cho biết công ty của ông đang nhận được rất nhiều yêu cầu và đề nghị tư vấn liên quan đến dịch vụ FTZ. Trong khi chính quyền Trump tuyên bố đang đàm phán thương mại với 75 quốc gia kể từ khi công bố các mức thuế mới, ông Dewart nhận định làn sóng quan tâm đến FTZ cho thấy các nhà nhập khẩu đang lo ngại cuộc chiến thương mại có thể kéo dài.
“Có vẻ như khách hàng đang tìm kiếm một giải pháp đề phòng trường hợp các mức thuế này trở thành cố định về lâu dài”, ông nói.
Chris Lin
Nguồn: cnbc